Sau mỗi dịp Tết, chị/em nội trợ lại đối mặt với việc bảo quản thực phẩm thừa như bánh chưng, bánh tét, giò, chả… Vậy làm thế nào để bảo quản thực phẩm thừa hay chế biến chúng thành nhiều món ngon khác nhau mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Điện Máy Chợ Lớn để tìm ra cách quản thức ăn thừa nhé!
– Với thời tiết nóng ẩm vào dịp Tết, bánh chưng hay bánh tét đều rất nhanh bị hỏng. Vì vậy, cách tốt nhất để giữ bánh được lâu hơn là cho vào ngăn mát tủ lạnh, dù cách này có thể khiến bánh bị cứng, bị sượng (còn gọi là lại gạo). Chú ý, thỉnh thoảng bạn nên mở ra kiểm tra, nếu bánh bị chảy nhựa thì nên vứt đi.
Bánh chưng hay bánh tét đều có thể cất vào ngăn mát của tủ lạnh.
– Thịt kho, thịt luộc, giò chả còn thừa sau những bửa cơm nên cất vào ngăn mát, bữa ăn tới đem ra hâm lại. Để lưu giữ những loại thức ăn này trên 3 ngày, bạn nên cho vào ngăn đá để đông, hạn sử dụng tối đa có thể lên đến một tuần.
– Dưa hành, dưa kiệu có thể để bên ngoài, nơi thoáng mát. Nếu muốn chúng lâu chua, quá trình lên men chậm, thì bạn để vào ngăn mát tủ lạnh, bảo quản được 1-2 tuần. Bạn nên dùng đũa/muỗng sạch để gắp dưa ra khỏi hũ, nhằm tránh dưa nhanh bị hư do tiếp xúc với thức ăn khác. Lưu ý, khi lấy dưa ra khỏi hũ, tuyệt đối không nên đổ lại vào trong, do chúng sẽ nhanh chua và không bảo quản được lâu.
Dưa hành, dưa kiệu có thể để bên ngoài lâu ngày mà không bị hỏng.
– Đối với lạp xưởng tươi, bạn bỏ vào trong hộp đậy nắp kín lại hoặc dùng giấy thấm rồi cho vào túi nilon buộc kín, sau đó đặt vào ngăn mát tủ lạnh. Như vậy, lạp xưởng tươi sẽ bảo quản được khoảng 15 ngày, còn nếu bạn để lên ngăn đông thì thời gian sử dụng sẽ được lâu hơn. Bạn vẫn có thể treo lạp xưởng tươi ở nơi thoáng mát, bảo quản lạp được khoảng 1 tháng. Với cách này, bạn nên dùng lạp xưởng trong vòng 1 tuần, nếu muốn bảo quản lâu hơn thì lạp xưởng tươi sẽ có vị chua giống như nem.
Lạp xưởng tươi sẽ bảo quản được khoảng 15 ngày trong ngăn mát tủ lạnh.
– Với lạp xưởng khô, phun một lớp rượu trắng, rồi bỏ vào lọ đậy kín, như vậy bạn có thể để lạp xưởng khô đến 6 tháng. Mặc dù lạp xưởng mua về có thể bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh, nhưng không nên để ngăn mát, do độ ẩm cao nên dễ ẩm mốc. Hoặc cho lạp xưởng vào túi nilon và treo ở nơi thoáng mát có ánh nắng, bảo quản được lâu ngày hơn.
Ngoài ra, bạn có thể tận dụng thức ăn thừa sau Tết để chế biến thành những món ngon khác như:
– Bánh chưng, bánh tét: Bánh được lấy ra từ trong tủ lạnh ra, bạn cần luộc hay hấp lại trước khi ăn. Bạn cắt mỏng bánh, rồi cuộn cùng giò chả cắt sợi và củ kiệu hoặc hành ngâm ở giữa. Sau đó, bạn đem bánh chiên giòn, ăn kèm với rau sống.
– Thịt gà: Bạn có thể dùng để nấu súp, cháo, hoặc xé nhỏ trộn gỏi. Hoặc bạn tận dụng phần thịt để làm chà bông gà, rồi dùng dần.
Bạn cắt hạt lựu giò chả còn thừa để làm món cơm chiên.
– Thịt nguội, giò chả, lạp xưởng: Hãy thái lát, cắt sợi chúng, rồi xào với rau củ và nấm. Ngoài ra, bạn có thể cắt hạt lựu giò chả thừa để làm món cơm chiên. Một cách nữa là giò chả đem cắt hạt lựu, trộn cùng hành tây và ớt chuông, kết hợp với trứng để tạo thành món trứng hấp, trứng chưng…
– Trái cây: Bạn sử dụng phần trái cây còn thừa để làm thạch trái cây hoặc trộn với sữa chua, ăn rất ngon.
Để bảo quản thức ăn thừa sau Tết đúng cách, ăn tiếp được mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn hãy áp dụng những phương pháp bảo quản trên nhé!